Tin Tức
Thành quả và thách thức mới của Giấy Tân Mai
Bề dày truyền thống
Công ty CP Tập đoàn Tân Mai (Giấy Tân Mai), trước đây là Công ty Kỹ nghệ Giấy Việt Nam (COGIVINA) được thành lập ngày 14-10-1958. Vị trí xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của doanh nghiệp khi đó thuộc ấp Tân Mai, xã Bình Trước, tỉnh Biên Hòa (nay được đổi thành phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Vào khoảng thời gian những năm 1958 – 1960, mặc dù đất nước bị chia cắt nhưng hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất giấy và bột giấy phát triển ở cả hai miền nam – bắc. Khi đó, ở phía nam, COGIVINA là một trong những doanh nghiệp có nhà máy quy mô lớn, là đơn vị sản xuất giấy in báo duy nhất ở miền nam Việt Nam trước khi đất nước thống nhất. Bên cạnh giấy in báo, giấy bao gói xi-măng của Tân Mai cũng là sản phẩm nội địa duy nhất có chất lượng ngang hàng với sản phẩm của Nhật Bản trong những năm 1970.
Ngày 2-5-1975, chỉ hai ngày sau khi giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), để bảo toàn nguồn lực sau chiến tranh, đại diện Ban quân quản của tỉnh Đồng Nai đã đến Tân Mai đề nghị doanh nghiệp tổ chức cho công nhân đứng ra bảo vệ máy móc thiết bị, nhà xưởng, vật tư, nguyên liệu và sản phẩm. Đến tháng 6-1975, đại diện Ban quân quản Bộ Công nghiệp vào tiếp nhận bàn giao và đổi tên thành Nhà máy Giấy Tân Mai, là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công thương). Sau hai tháng tiếp quản, hoạt động sản xuất của Nhà máy Giấy Tân Mai đã trở lại bình thường. Sau một năm, sản lượng sản xuất của nhà máy vượt công suất thiết kế, đạt 18.700 tấn/năm, đưa sản phẩm giấy in báo Tân Mai tới khắp cả nước. Từ năm 1980 đến năm 1990, sản phẩm giấy bao bì hòm hộp chất lượng cao mang thương hiệu Tân Mai luôn đứng đầu danh sách sản phẩm nội địa. Năm 1997, Tân Mai là doanh nghiệp đầu tiên trong nước đi tiên phong và tạo đột phá trong việc sản xuất sản phẩm giấy phô-tô-cóp-pi chất lượng cao, tạo tiền đề để sản phẩm trong nước đánh bật hàng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc), vốn thống lĩnh thị trường trong hai mươi năm trước đó. Tới cuối năm 2005, theo chủ trương của Chính phủ, Công ty Giấy Tân Mai được cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ đầu năm 2006.
Bên cạnh hoạt động sản xuất có truyền thống nhiều năm, Giấy Tân Mai cũng là một trong những doanh nghiệp có tổ chức đảng từ rất sớm. Tròn một năm sau khi đất nước thống nhất, chi bộ đảng đầu tiên của nhà máy đã được thành lập với 18 đảng viên. Năm 1980, chi bộ đã được nâng lên thành đảng bộ cơ sở với bốn chi bộ. Kể từ đó đến nay, số lượng đảng viên được phát triển liên tục, tổ chức đảng luôn giữ trong sạch, vững mạnh. Trong quá trình hoạt động Giấy Tân Mai luôn bám sát và thực hiện tốt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng Tây Nguyên, cũng như công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ghi nhận những đóng góp đó của Giấy Tân Mai, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho doanh nghiệp Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba và nhiều hình thức khen thưởng khác.
Vượt khó để phát triển với tầm nhìn dài hạn
Kể từ khi thành lập đến nay, Giấy Tân Mai luôn là một trong những doanh nghiệp tích cực đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp giấy nước ta, đồng thời cũng là doanh nghiệp có đóng góp không nhỏ trong việc gìn giữ và phát triển rừng bền vững tại Việt Nam. Được giao giữ 28.266,55 héc-ta rừng và trồng rừng nguyên liệu cho ngành giấy phía nam với diện tích trải dài trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Bình Thuận…, Giấy Tân Mai có đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương, nhất là việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
>>> Virus Corona sống được bao lâu trên bề mặt giấy in, bìa các tông?
Tuy nhiên, năm 2012 doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn, thách thức khi Nhà máy Giấy Tân Mai (tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1) thuộc diện phải di dời theo lộ trình thực hiện chuyển đổi chức năng quy hoạch từ khu công nghiệp sang đô thị của tỉnh Đồng Nai. Mặc dù việc này gây gián đoạn trong sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp nhưng Giấy Tân Mai đã chủ động tự bỏ chi phí để thực hiện di dời sớm, bảo đảm tuân thủ nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ và địa phương. Sau thời gian gặp khó khăn, tới nay Giấy Tân Mai đã khôi phục, ổn định được sản xuất và vạch ra chiến lược phát triển với tầm nhìn dài hạn. Đó là đầu tư xây dựng các nhà máy mới ở các địa bàn trọng điểm phía nam, đồng thời tập trung phát triển vùng nguyên liệu gắn với phát triển rừng bền vững.
Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Tập đoàn Tân Mai Lê Thành cho biết: Trong hai năm 2018 và 2019 vừa qua, hoạt động chủ yếu của công ty là trồng rừng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng trồng, phát triển vùng nguyên liệu; đồng thời triển khai thực hiện dự án Nhà máy Giấy Tân Mai miền đông có công suất 200 nghìn tấn/năm và dự án Nhà máy bột giấy Tân Mai – Kon Tum có công suất 70 nghìn tấn/năm. Nằm trong chiến lược phát triển dài hạn, thời gian qua, công ty đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu và quỹ đất lâm nghiệp rộng lớn, trải dài hầu khắp các tỉnh thành phía nam, sẵn sàng đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy mới khi đưa vào vận hành. Việc này cũng sẽ góp phần từng bước nội địa hóa nguyên liệu đầu vào để sản xuất giấy, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà. Qua đó, cũng tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm với giá thành rẻ hơn, đồng thời góp phần vào các chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Theo Chủ tịch HĐQT Lê Thành, chiến lược trong thời gian tới của công ty sẽ tập trung phát triển rừng theo hướng đạt các tiêu chí chứng nhận bảo vệ rừng FSC. Đó là bảo đảm được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương). Đồng thời triển khai các mô hình rừng kết hợp với sản xuất và đón luồng sinh khí mới từ việc phát triển mô hình kinh tế rừng và dịch vụ, như: Rừng kết hợp với du lịch; rừng kết hợp với nông nghiệp và dược liệu; rừng kết hợp với gỗ; rừng kết hợp với sản xuất giấy… Cụ thể, trong chiến lược phát triển, công ty luôn xác định ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân trong khu vực, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Công ty xác định bên cạnh việc phát triển phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nhất là hướng tới việc tạo sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số, hướng dẫn bà con cách thức phát triển kinh tế trên nền tảng phát triển nông nghiệp để giảm tình trạng phá rừng làm rẫy. Thời gian tới, công ty sẽ phấn đấu góp phần hình thành các làng nghề tại các buôn, làng, thôn, bản thông qua tập huấn cho đồng bào quanh khu vực rừng công ty quản lý. Đẩy mạnh giao đất, giao rừng kết hợp với các hộ dân sản xuất nông nghiệp, trồng xen canh dưới tán rừng; cung cấp cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số; thu mua lại sản phẩm tạo đầu ra ổn định cho người dân. Ngoài ra, mạng lưới đường phục vụ cho công tác khai thác tỉa thưa và quản lý bảo vệ rừng của công ty cũng sẽ được kết nối vào hệ thống giao thông của các xã, các thôn để tạo thuận tiện cho việc lưu thông của người dân địa phương.
Theo Nhân Dân